Tuesday, April 17, 2018

Viết như niềm ái ngại

_______________
CAO VỊ KHANH
mai sau  dù có  bao  giờ   


Khi người Việt miền Nam bỏ của chạy lấy người từ sau cơn hốt hoảng cuối tháng tư, cái mang theo đầy đủ nhất chắc chỉ là một phần hồn vỡ bể nào đó. Còn đa phần thì đã chôn lấp trong một góc nhà xưa đã bỏ lại hay đã văng tứ tán trên những lượn sóng đục ngầu của biển đông hoặc những xó rừng già Bắc Thái. Trong số những của cải thất lạc đó ngoài thứ vật chất ngoại thân còn có cái hồn tính của một dân tôc. Cả những ai lạc quan nhất cũng chỉ có thể chép miệng mà răn mình hồn-ai-nấy-giữ


Mươi năm ở xứ người đã đủ để thấy sự mất mát to lớn dường nào. Và không dễ gì tom góm lại được. Cuộc tái sinh trăm cay ngàn đắng đã làm biến dạng không ít những thuộc-tính-việt- nam.
Trong khi đó, ở quê hương thì mọi sự thay đổi đến tận gốc rễ. Người ở ngoài nước còn có dấu mốc gì đâu mà chống chỏi với sức mạnh tha hóa của đời sống lưu vong.       

Thì thôi, còn nhớ gì thì giữ nấy, làm được gì thì làm, được tới đâu hay tới đó, có nghĩ được sẽ truyền tử lưu tôn đâu !

Một trong muôn ngàn thứ mất mát đó, có cái gọi là nếp văn hóa nghệ thuật đã thụ hưởng thừa mứa ở nửa phần đất phía nam Việt trước năm 75. Nội cái món sách báo đã phải nói là trăm hoa đua nở dù thuở đó nước Việt miền Nam cũng chỉ là một phần đất còn bị xếp loại chậm tiến. Ở Sài-gòn, Huế, Ðà-nẳng, Cần-thơ... mới chỉ nói đến những thành phố lớn chưa kể đến những thị trấn nhỏ, xa xôi cách mấy, vẫn thấy đầy rẫy những tiệm sách, sạp báo với đủ thứ mặt hàng đủ thỏa mãn cho từng tầng lớp độc giả riêng biệt. Ở cái xứ mà nghèo đói vẫn còn là vấn nạn hàng đầu, kềm theo chết chóc bom đạn là nỗi hoài nghi hàng phút lại thêm từ hồi nào đã có người buột miệng than rằng "văn chương hạ giới rẻ như bèo", vậy mà người viết cứ viết, người in cứ in và người đọc cứ đọc. Những nhà văn chuyên nghiệp vẫn sáng tác đều đặn, thơ truyện ngắn truyện dài vẫn phơi phới trên những trang ba trang tư nhật báo, những tuần san tạp chí chuyên loại vẫn tiếp tục ra mắt rồi đóng cửa rồi ra mắt... Sách dầy từ trăm trang này đến trăm trang khác vẫn được xuất bản in ấn càng ngày càng đẹp bìa offset năm bảy màu. Chợ văn chương cứ vui, náo nhiệt như ba trăm sáu mươi lăm ngày ngày nào cũng là ngày tết. Trong khi đó, từ những lớp học những ngôi trường vẫn xuất hiện đều đặn, e ấp hay rầm rộ những thi văn đoàn của những người văn nghệ khoác áo học trò... rồi là những trang bích báo dán đầy tường, những tuyển tập chép tay, khá hơn một chút thì được in bằng bột phấn màu, khá hơn nữa được quay ronéo... lem luốt. Vậy mà sung sướng, mà hãnh diện, mà đủ để làm vui một tuổi trẻ Việt Nam đã buồn quá sớm.

Lớn lên trong thời buổi khó khăn đó, thiếu gì thì thiếu mà chữ nghĩa thì không thiếu. Cả một tuổi học trò đã được tắm đẫm trong rừng chữ nghĩa. Từ những bước khai phá trúc trắc trục trặc của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh trong nam Phạm Duy Tốn ngoài bắc, rồi đến khi đỉnh đạt với những Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam... của Tự Lực Văn Ðoàn, ... những Vũ Trọng Phụng, Trần Tiêu, Thanh Tịnh... Nguyễn Công Hoan, Lan Khai, Nguyễn Tuân, Lê Văn Trương và... và...

Cho đến cái hồi sau năm 54 ở Sài-gòn nổi lên một vận động văn chương mới, đa diện và hực hỡ như bảy sắc cầu vòng. Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu và... Võ Phiến, Lê Tất Ðiều, Viên Linh, Nguyễn Ðình Toàn và... Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng và... và...

Bên cạnh đó, cũng rực rỡ muôn hồng ngàn tía, thừa hưởng cái tài hoa của cha ông từ thời lập quốc vừa phá rừng khai đất giữ làng chống ngoại xâm vừa làm thơ Ðường, lục bát, song thất, hát nói... những người làm thơ từ thời tiền chiến đã mạnh dạn và tài tình đổi mới kỹ thuật và ngôn ngữ ngàn năm tạo nên một truyền thống thi ca vừa phong phú vừa giá trị. Chữ và nghĩa với những sáng tạo tu từ không còn chỉ là cái phương tiện truyền thông sơ đẳng mà đã đạt đến cái đẹp tự thân. Khởi đi từ Phan Khôi, Tản Ðà ... truyền xuống đến đời Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ rồi thì là Thâm Tâm, Lưu Trọng Lư, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính ... rồi Vũ Hoàng Chương, Ðinh Hùng, rồi sau đó, sau đó ... tiếp nối những Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Trúc Ly, Hoài Khanh, Cung Trầm Tưởng ... vân vân và vân vân.
Bao nhiêu, bao nhiêu kể sao cho xiết, còn lứa nhà văn nhà thơ lớn lên trong chiến tranh và chọi mặt với cuộc chiến tranh đó Phan Nhật Nam, Thế Uyên, Trần Hoài Thư, Y Uyên, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Tất Nhiên, Vũ Hữu Ðịnh vân vân và vân vân... Làm sao, làm sao quên được những năm 70 bỗng nhiên thường nghe lẩm nhẩm trên môi những câu lục bát tuơi tắn như ca dao mà lãng đãng như công án thiền thôi-thì-em-chẳng-yêu-tôi-leo-lên-cành-bưởi-nhớ-người-rưng-rưng...

Bao nhiêu, bao nhiêu kể sao cho đủ những ân nghĩa mà họ, với tư cách là nhà văn nhà thơ đã đóng góp bướm hoa cho đời còn có cơ bay lượn ra khỏi những điêu tàn như chính con phượng hoàng hóa thân từ tro than của chính nó.
Vậy đó kể sao cho xiết, chỉ mới là những cái tên thoáng nhớ bất ngờ trong một trí nhớ đã có dấu hiệu tàn phai, còn bao nhiêu cái tên khác đã được ghi chép cẩn thận trong những cuốn văn học sử dầy cộm.
Và còn hàng bao nhiêu cái tên khác nữa, vài ba bài thơ, năm bảy truyện ngắn, xuất hiện đâu đó đôi lần rồi thôi... Mà điều cho dù đã thành danh hay chỉ tập tễnh chân trong chân ngoài, kể cả những kẻ cứ cắm cúi viết hoài viết hũy, đâu đó trên một góc thừa của tờ báo xem dở hay một góc trống của gói thuốc cạn sắp liệng đi, trong căn phòng đóng kín cửa hay ngoài băng đá công viên... họ vẫn đang làm một trong những cái việc đáng yêu nhất của con người là sáng tạo.
Trong chiến tranh, họ đã cố gắng tái tạo giữa những hủy diệt.
Và bây giờ, trong cuộc sống lưu vong, họ đang cố gắng nối tiếp cái ý hướng sáng tạo trong tự do đã bị dìm chết ở quê nhà.

 Cái thân ăn nhờ ở đậu, chắc không ai ngu ngơ đến đổi tưởng mình đang làm chuyện vĩnh cữu. Nhất là sáng tác bằng cái thứ chữ sẽ thành tử ngữ sau một hai đời lưu vong. Và nhất là ở trong nước thì chữ và nghĩa đang bị biến thái một cách kỳ cục đến nỗi người đi xa đâu khoảng mươi năm mới nghe qua cứ ngớ ngẩn như  Từ Thức về trần. Nghĩa là đã có một độ lệch lớn lắm của thứ chữ mình đã bỏ nước mang đi từ gần 30 năm trước và thứ chữ kẹt lại quê nhà đang bị khẩn-trương-trong-sáng-hóa tới độ tối hù như những "tắc ùn" của thời-kỳ-quá-độ.

Như vậy, viết để làm gì ? Ðể làm gì mà cứ cày cục nặn đầu nặn óc vắt tim vét phổi sau những giờ khổ hình giữa máy móc cuồng nộ ? Sao lại cứ dấn thân vào con đường đã tuyệt lộ rành rành. Nhất là đã có kinh nghiệm về cái gọi là giao-lưu-văn-hóa... một-chiều. Nghĩa là văn ra thì cho mà văn về thì cấm.
Vậy mà vẫn viết.

Viết mà vẫn biết chữ nghĩa có hay có dở cũng chỉ lòng vòng trong cái cõi ngày một hụt người. Viết mà vẫn biết văn chương đã bị kết án lưu đày dù văn chương vốn không có biên giới.
Cái bi kịch của người viết là ở đó. Mà cái đẹp-lãng-mạn của người viết cũng là ở đó.

Ðã có thời ông Xuân Diệu tuyên bố ngon ơ :" tôi là con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hót chơi " (dĩ nhiên sau đó chắc đã hơn một lần ông ta phải phản tỉnh phản bác phản cung đủ điều). Tuy nhiên nghĩ cho kỹ coi, có phải đó là cái tuyên ngôn đẹp nhất của cả một dòng thơ mới.

Hót chơi là hót chơi. Không phải để anh chèo bẻo khoái tai. Cũng không phải để chị áo già giải trí. Càng không phải để cái cò cái diệc bớt lầm than. Mà nếu có ai nghe rồi ngơ ngẩn thì lại là chuyện của họ chẳng mắc mớ gì đến cái chuyện hót-chơi của con chim đó cả. Thi sĩ (nghệ sĩ) đã bị quá nhiều oan ức kể từ khi dân thành Athènes (?) đòi quàng vòng nguyệt quế lên đầu rồi đuổi họ ra khỏi thành phố.

Như vậy, viết là viết. Chấm và hết. Sao cứ phải thắc mắc này nọ về tương lai của cái mình viết ra. Cũng như sao lại cứ đòi chữ nghĩa phải có trọng trách này trách nhiệm nọ. Chính ông Nguyễn Du tài hoa ngút trời là vậy mà còn phải hoài nghi về mấy ngàn câu thơ đã làm máu-chảy-trên-năm-đầu-ngón-tay mình. Tự cái việc viết lách, sáng tác, đã không là một giá trị tự thân sao. Còn giao cảm được với hồn người và hồn tạo vật, cũng như còn rung động kịp với cái nhịp lich sử đang chuyển mình rần rần mà phóng bút làm thơ hay viết vài câu cảm thán cũng đã đủ sướng mê đời này rồi. Kể làm chi đến chuyện kiếp trước với đời sau cho đau lòng chữ nghĩa. Nội cái việc viết được ra mấy điều đang óc ách trong đầu đã không yên tâm lắm sao. Chẳng còn hơn mấy người điên điên khùng khùng cứ lải nhải hoài mà không lặng được lòng sóng gió.
Cái công việc viết lách của những người Việt may mắn được sống ngoài vòng kiềm tỏa của một thứ cương-lĩnh-hội-nhà-văn này nọ có vẻ đẹp rất đáng yêu của con-chim-đến-từ-núi-lạ... rồi ngứa-cổ-hát-chơi. Hát chơi vậy thôi !

Viết rồi đem in, rồi xuất bản, rồi trăm rồi ngàn rồi trăm ngàn người đọc vẫn là chuyện thường tình.

Viết ( khi ngủ gà ngủ gật 15 phút giải lao kề bên giàn máy rầm r, khi lúc la lúc lắc trên chuyến xe buýt tan sở cuối ngày, khi nửa đêm chợt dậy tung mền tung gối chạy vội xuống bàn gỏ lóc ca lóc cóc mấy chữ chỉ sợ rồi mai sáng quên bẳng khi vợ gọi con kêu ... sau khi đã viết dưới giao thông hào, trong phòng tối trại giam, kể cả những người còn kẹt lại bên đó từ mấy chục năm qua vẫn lén lút viết-mà-không-lách rồi đem cất giấu dưới đáy thùng cạc-tông hay đút nhét đằng sau kẹt bếp...) mà không biết khi nào thì in ấn, xuất bản, mà có xuất bản rồi cũng không biết còn ai để đọc. Vậy mà vẫn viết như bị ma ám. Nghe ra có vẻ bi đát mà thật sự không bi đát chút nào. Bi tráng thì có.

Sao không trả lại cho văn chương chữ nghĩa cái đẹp nguyên thủy của nó, cái đẹp vô vị lợi, cái đẹp phiêu phiêu tự tại, cái đẹp như chính nó là nó. Còn ngoài ra hết thảy những gán ghép này nọ, kể cả cái đòi hỏi cứu rỗi thế gian này, phải chăng chỉ là môt sự cưỡng cầu quá đỗi.

Bạn xa, hãy viết đi bạn, hãy làm thơ đi bạn như đã viết, đã làm thơ từ mấy chục năm nay mặc kệ cái tuổi đời có "lão hóa" (mà lão hóa cái nỗi gì khi Picasso 80 tuổi còn thấy khói bốc lên ấm hỉm trên những mái nhà phủ tuyết trắng phau), mặc kệ cái đề tài có "lão hoá" (mà lão hóa cái nỗi gì khi vết thương cốt nhục còn mưng mủ giữa lòng ta), mặc kệ cái số độc giả có "lão hoá" (mà lão hóa cái nỗi gì khi chuyện viết là chuyện của mình còn chuyện đọc là chuyện của người thiên hạ). Có hề gì cái dòng "văn học hải ngoại" này nó chảy trong hay chảy ngoài. Có hề gì ba cái mớ rong rêu đang bám vào cổ thụ.

Cây già cây sẽ chết. Nhưng hể còn chút nhựa nào thì cây cứ rung theo gió bạt ngàn. Tại vì cây đã lỡ bắt rễ vào lòng đất, đã chịu ơn của bao nhiêu là mạch ngầm sông suối, đã thụ nhận bao nhiêu là ân cần mưa móc sương nắng của trời đất thì cái việc nhả lại chút thanh khí vẫn cứ ứ đầy tình nghĩa đó thôi...

Viết như chính niềm ái ngại về những thừa hưởng từ cơm cha áo mẹ công thầy, từ ơn nghĩa quê hương, từ mớ sách vở mà bao nhiêu thế hệ tài hoa đã vun trồng trong ta nỗi yêu người, yêu đời... mãi đến bây giờ vẫn còn đó,  ràn rụa như sương.



Chừng nào chết thì thôi.
Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ...




4 comments:

Quang Minh said...

Ngồi buồn ngẫm nghĩ cái thằng tôi
Cái thuở học sinh viết chẳng ( ra ) lời
Cắm cúi nặn hoài không một chữ
Cam đành, cô bảo :" cuống lớp chơi "

Vận nước không may đến xứ người
Tự dưng thơ thẩn lthử mà thôi
Lục nồi lục bát lung tung chỗ
Bát cú thất ngôn cứ rụng rời

Một ngày thèm ngọt tập thơ Đường
Niêm luật, đối vần thấy khó thương
Nhị tứ lục viết sao cũng được
Nhứt tam ngủ cần phải tinh tường

Có phải tha hương buồn viễn xứ
Tâm hồn bỗng nổi dậy văn chương
Chẳng e thẹn viết hay hay dở
Ý nghĩ theo dòng chữ cứ tuôn

Nhìn lai tuổi già đầu tóc bạc
Thời gian ngày tháng cứ trôi mau
Lo gì, thơ thẩn thì cứ vẫn
Thi phú vui chơi mặc cứ trào


vk said...

Một bài viết thật hay. Viết, viết, chúng ta cứ viết để giữ những viên ngọc qúi của miền Nam khai phóng, nhân bản và tự do.Thơì gia sẽ đào thải những gí là dối trá, lừa lọc, bợ đỡ...

trường tôi said...

Bài viết hay. Cám ơn Thầy Võ Trung Hiền .
Học trò NTT

rachgia said...

comment của Thầy VTH

cám ơn cô TL ... chúc vui