Sunday, February 5, 2017

TẾT ĐINH DẬU 2017: NHỚ THỜI HOÀNG KIM CỦA SÂN KHẤU CẢI LƯƠNG



_______________


NGUYỄN PHƯƠNG


Tôi định cư ở Montréal 30 năm rồi, ba mươi lần đón Tết ta trong tuyết lạnh, tưởng là những tập tục ngày xưa về ngày giỗ, ngày Tết của xứ mình đã chìm sâu trong quên lãng, nhưng không hiểu tại sao mỗi khi năm hết Tết đến, lòng tôi bồi hồi tưởng nhớ những kỷ niệm về cái Tết Việt Nam. Tôi khám phá ra rằng trong tiềm thức của mỗi người có chôn giấu rất nhiều kỷ niệm, những hình ảnh, những câu hát ru mà hồi nhỏ mình đã được nghe, được sống vui buồn với nó, cái niềm vui, buồn đó đã âm thầm hằn sâu vô trong ký ức của mình. Nó chờ dịp được khơi dậy lên như kiểu người đào mỏ khơi trúng mạch thì nguồn tình cảm và kỷ niệm đó sẽ òa vỡ ra mênh mang không biết bao nhiêu mà kể!
Ngày 23 tháng chạp năm nào thì gia đình tôi cũng cúng đưa ông Táo về trời mặc dầu trong lòng tôi có lúc thầm nghĩ, hổng biết ông Táo Việt Nam có theo mình qua Canada hay không? Ở đây gia đình tôi nấu nướng bằng bếp gas, bếp điện, hết dùng cà ràng ông táo rồi, vậy thì nếu ông Táo theo mình qua Canada thì ba vợ chồng ông Táo sẽ ở đâu? Rồi ông bà bạn láng giềng của tôi rủ đi phố Tàu mua giấy tiền vàng bạc và giấy hình con cá chép để cúng cho ông Táo cưỡi cá chép bay về trời, mấy tiệm Tàu lại bán hình giấy Đô la và thay hình con cá chép bằng hình cái hỏa tiễn, họ nói ông Táo ở Bắc Mỹ xài tiền Đô la chớ không dùng giấy tiền vàng bạc như hồi xưa, ông Táo cũng đeo theo hỏa tiễn để bay về trời cho lẹ, mau hơn là cưỡi trên lưng con cá chép nên họ làm như vậy thì bán mới được. Tôi bèn bàn quát ra, tiền mua giấy tiền vàng bạc ở phố Tàu phí lắm, dùng tiền đó đi ăn phở có lẽ hay hơn. Ông bạn tôi lại lẩn thẩn buồn vì sự thay đổi tập tục xưa đó…

Rồi tôi bỗng nhớ chuyện đưa ông Táo trong gánh hát Thanh Minh hồi năm 1956, cách nay nửa thế kỷ…
Đoàn Thanh Minh hát Tết ở rạp Cây Gõ, sát bên hông chợ Cây Gõ và đình Bình Tiên. Vùng nầy khán giả bình dân đi coi hát bói tuồng trong những ngày Tết rất đông. Đoàn Thanh Minh khai trương tuồng Tề Thiên Đại Thánh đại náo đăng xinh. (Dancing thay cho thiên cung) của soạn giả Lê Khanh. Lê Khanh là một tay có nhiều sáng kiến câu khách, nên mở màn hát, anh cho ông Tề ngồi nhậu với ông Táo ở dưới nhà bếp của bà chủ quán dancing Long Phụng. Ông Tề khi hiện thân là con khỉ thì do nghệ sĩ Chí Hiếu đóng, khi ông Tề hóa thân là một khách si tình đi 
dancing thì do nghệ sĩ Út Trà Ôn đóng, để anh Út Trà Ôn ca vọng cổ. Ông Táo do hề Kim Quang đóng.
Chuyện tuồng lớp đó như sau: Ông Tề khoe là mình đại náo thiên cung, uống được thuốc trường sanh bất lão và rượu tiên trong lò bát quái của Nam Cực tiên ông và ăn được trái đào tiên của Tây Vương Thánh Mẫu. Ông Táo (hề Kim Quang) cho là rượu của tiên ông không ngon bằng rượu Whisky của bà chủ dancing Long Phụng. Đào tiên của Tây Vương Mẫu không ngon bằng mấy trái đào tiên của cô vũ nữ My My. Ông Tề bảo ông Táo đưa đi dancing Long Phụng để uống Whisky và ăn hai trái đào của cô vũ nữ My My, nhưng ông Táo không chịu, ông Tề xách thước bảng rượt đánh, ông Táo phóng lên lưng con cá chép, bay lên thiên đình đầu cáo với Ngọc Hoàng. Đó là lớp mở màn tuồng Tề Thiên đại náo dancing của soạn giả Lê Khanh.
Ông Táo hề Kim Quang đã móc sẵn dây cáp bay trên lưng (dây cable thép nhỏ bằng đầu mút đũa nhưng chịu sức treo nặng vài trăm ký), đầu trên của dây cable được hàn vô một cái móc chết trên một cái bạt đạn thép nên khi nghệ sĩ chạy vòng tròn thật mau để lấy trớn, bạt đạn cũng quay nhanh theo, khi bên trong các anh dàn cảnh kéo dây bay lên thì người nghệ sĩ sẽ bay vòng vòng theo đà quay của cái bạt đạn thép có hàn sợi dây bay đó. Con cá chép thì làm bằng đèn giấy khung tre như đèn trung thu, bên trong gắn nhiều bóng đèn pin, có pin sẵn, khi hề Kim Quang cưỡi con cá chép, tay nắm ngay vi cá là chỗ contact đèn, bấm một cái là con cá cháy sáng như tóe hào quang. Kim Quang ôm con cá chép, hai chân quặp hai bên mình con cá thì khi Kim Quang bay, con cá chép cũng bay theo Kim Quang, khán giả sẽ thấy là ông Táo ngồi trên lưng con cá chép thần bay về trời.
Soạn giả Lê Khanh đề nghị với bà Bầu Thơ cho kẹp một phong pháo dưới đuôi con cá chép để khi ông Táo Kim Quang cặp con cá chép bay lên thì pháo nổ sau đuôi con cá, bay vòng vòng sân khấu để mở màn hát Tết cho khán giả vui lấy hên.
Bà bầu đồng ý nhưng dặn Lê Khanh: “Chú coi chừng cháy phông màn, treo một phong pháo chuột thôi”. Lê Khanh dạ một tiếng, xong anh ta đưa tiền cho anh Tình Thiệt (xếp dàn cảnh) một trăm đồng để nhờ mua một phong pháo, còn bao nhiêu thì lì xì cho anh, tối đến nhờ anh Tình 
Thiệt đốt phong pháo trước khi kéo dây bay cho ông Táo Kim Quang về trời. Anh xếp dàn cảnh cũng ham đốt pháo, ra chợ Cây Gõ thấy mấy chú ba Tàu bán pháo Hồng Kông (pháo nhập lậu) anh bèn mua một dây pháo Hồng Kông dài một thước. Pháo Hồng Kông nổ lớn tiếng nghe như tiếng súng liên thanh bắn bên lỗ tai, lửa tóe sang ngời, xác pháo màu hồng tung bay rất đẹp. Sân khấu ngày Tết có một màn đốt pháo như vậy thật là ngoạn mục.
Soạn giả Lê Khanh đưa tiền mua pháo rồi, yên chí nên không kiểm soát lại, hề Kim Quang thì tưởng bà Bầu cho phép đốt pháo, ông Táo bay mà có tiếng nổ sau đuôi như hỏa tiễn thì cũng rất vui nên anh ta ôm con cá chép có gắn dây pháo điển Hồng Kông chạy vòng quanh sân khấu lấy trớn cho thật mau, pháo nổ kéo dài trên sàn sân khấu. Ông Tề Chí Hiếu cũng rượt theo giả như đánh ông Táo, bị pháo nổ dưới chân, nhảy như con khỉ mắc phong, khán giả vỗ tay hò reo nhiệt liệt… Mấy anh dàn cảnh kéo dây bay lên thật mạnh, ông Táo Kim Quang có đà chạy vòng quanh nên cũng bay vòng vòng trên sân khấu, dây pháo Hồng Kông cũng theo chiều đường bay mà căng thẳng ra, thành ra dây pháo nổ quét vô các cái cánh gà và phông vải lớn, Kim Quang không thể ngừng bay, pháo cứ nổ tóe lửa, mọi người la hoảng, sợ cháy phông màn, cháy lây tới rạp hát. Mấy anh dàn cảnh đứng túa ra hai bên sân khấu, cầm khăn lông hoặc những tấm bố vải để dập tắt những chỗ nào lửa bén tới. khổ nhất là vải phông trắng bên trong bị nám đen nhiều chỗ. Chí Hiếu đóng vai ông Tề chạy theo dưới con cá chép, dùng cây thước bảng đánh, mong cắt đứt dây pháo. Khán giả đứng lên, nhốn nháo, nhưng họ chưa thấy có gì là nguy hiểm nên đứng lên hò hét, chỉ cách dập tắt lửa chỗ nầy, hoặc bảo mấy anh dàn cảnh đứng dàn hàng ngang trong phông mà gạt dây pháo ra cho đừng chạm vô vải phông trong, khán giả quá vui cũng có mà hoảng sợ cũng không phải là ít.
Tôi la lớn: “Kim Quang buông con cá chép đi, thả con cá chép xuống sàn sân khấu đi…”
Chừng đó Kim Quang mới nhớ, buông tay buông chân không kẹp con cá nữa thành ra con cá chép có dây pháo rớt xuống, không may cho ông Tề Chí Hiếu, con cá chụp lên đầu anh, dây pháo còn trớn quấn quanh mình anh, nổ rân trời, Chí Hiếu nhảy cà tưng giống như con Khỉ Tề Thiên đại thánh ở trong lò lửa Bát Quái của Nam Cực Tiên Ông vừa nhảy ra. Ông Tề Chí Hiếu quýnh quá, không gỡ con cá chép ra khỏi đầu được vì cái khung tre dán hình con cá nó vướng ngay cằm của Chí Hiếu. Pháo nổ, lửa bắt cháy cái quần may bằng lông thú của ông Tề, Chí Hiếu nóng quá, tuột đại cái quần lông thú đang mặc, còn cái quần xà lỏn, chân bị phỏng nhiều chỗ. Chừng con cá rớt xuống sàn sân khấu, mấy anh dàn cảnh ào vô tiếp dặp tắt pháo, màn nhung bên ngoài mới được buông xuống. Khán giả vừa trải qua một cơn hết hồn nhưng liền sau đó thì họ thích thú vì sự kiện quá hài hước trên sân khấu, họ vỗ tay hò hét, thổi tu huýt làm náo động cả khán trường.
Nhớ Tết Đà Nẵng, Cửu huyền thất tổ theo đoàn hát lưu diễn
Đêm ba mươi Tết, cả thành phố Đà Nẵng vắng teo, rạp hát Trưng Vương đã được trang trí lộng lẫy từ ngoài cửa rạp vô tới mặt tiền sân khấu. Bà Bầu và một số nghệ sĩ đang cúng rước Ông Tổ Cải lương. Trong hầm sân khấu, nhiều cô vũ nữ và vài em nghệ sĩ ngồi chụm lại nói chuyện nho nhỏ với nhau, nét mặt buồn hiu. Tôi hỏi: “Có chuyện gì vậy bây? Có đứa nào mất tiền hay nữ trang gì hả?”
– Dạ hổng phải… Tụi con… tụi con nhớ nhà! Năm nào ba mươi Tết, tụi con cũng được ở nhà cúng rước Ông Bà. Bữa nay đi hát xa như vầy, hổng được cúng rước ông bà nên mới buồn…
– Thì tụi bây cúng rước ông bà ở đây cũng được vậy. Chỉ cần có lòng thành, chớ ông bà là người ở cõi trên, bây cúng ở đâu thì ông bà cũng bay tới chứng kiến được mà.
– Nhưng tụi con không có mang bàn thờ ông bà theo, làm sao mà cúng?
– Tao bày cho bây một cái bàn thờ Ông Bà chung cho mọi người ở đây. Ông bà của tụi bây và ông bà của tao…
Tôi nói xong, lấy giấy hồng đơn trong rương đồ hội ra, lấy mực Tàu, viết bốn chữ, nhại theo cách viết chữ triện của người Tàu: Cửu Huyền Thất Tổ. Rồi dán lên tường, bày bàn ra, lấy một cái tô đổ đầy gạo làm lư hương, có đèn cầy đỏ, đốt sáng lên, bàn thờ xem cũng trang nghiêm lắm.
– Còn thiếu bình bông. Để con đi kiếm.
Cô bé Liễu Thuận, vũ nữ trong đoàn chạy lên chỗ bà Sáu Đồ hội mượn một bình bông có bông hoa vải dùng trang trí trong các tuồng hát, đem xuống để trên bàn thờ. Mấy cô cậu kia cũng chạy đi kiếm được một dĩa tráí cây, một con gà luộc của Hữu Phước chuẩn bị cúng Tổ, nhưng trên bàn thờ Tổ thì bà Bầu lo đầy đủ rồi nên Hữu Phước cho các em vệ sĩ mang xuống hầm để ăn, nhưng các em cúng Cửu Huyền Thất Tổ trước rồi sẽ ăn sau. Tôi thắp nhang lạy cúng rước ông bà trước, sau đó các cô vũ nữ và vệ sĩ cúng vái sau, thành ra chúng tôi như cùng chung một gia đình, và các ông bà chung của chúng tôi đều theo khói nhang và lời khẩn nguyện mà bay về Đà Nẵng chứng chiếu cho tấm lòng thành kính tưởng nhớ tổ tiên ông bà lúc chúng tôi đi hát xa quê hương.
Được cúng rước ông bà theo như tập tục xưa, mọi người hài lòng nên ai nấy trở về chỗ ngủ của mình để làm một giấc ngon lành cho tới sáng ngày đầu xuân.
Bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ lập dưới hầm sân khấu ngày 30 Tết, để tới ngày mùng ba Tết, sau khi cúng đưa Ông Bà về trời rồi mới dẹp bàn thờ “dã chiến” đó. Các nghệ sĩ lớn như anh Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Việt Hùng, Ba Xây… khi xuống hầm sân khấu để hóa trang làm tuồng hát thì các anh cũng đến thắp nhang vái van trước bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ, một bàn thờ chung thờ các ông bà của nghệ sĩ tha hương.
Kỷ niệm êm đềm về cái Tết thời thơ ấu
Khi hát ở Cái Bè, kỷ niệm khó quên là chuyện ông Hai Hoảnh, chủ mua dàn hát mời vợ chồng anh Hoàng Giang, hề Kim Quang, Minh Điển, cô Thúy Lan và tôi về nhà ông ở vì các khách sạn trong quận đã hết phòng cho mướn trong ba ngày Tết. Ông Hai Hoảnh là bạn của anh Hoàng Giang nên ông dành cho chúng tôi một sự ưu đãi đặc biệt.
Nhà của ông là một ngôi nhà xưa, nền đúc, ba gian hai chái, vách tường dầy, cánh cửa rộng, mái lợp ngói âm dương, trong nhà thì tủ thờ và bàn ghế đều bằng gỗ quý, có cẩn ốc xa cừ và chạm trổ tinh vi. Trên bàn thờ, có lư hương và hai chân đèn bằng đồng được đánh bóng sáng chói, một mâm ngũ quả, một bình bông lục giác chưng mấy nhánh mai vàng năm cánh đầy bông. Ông Hai Hoảnh đốt nhang đèn thành kính cúng rước Ông Bà trong đêm trừ tịch, khiến cho chúng tôi thêm nhớ nhà.
Chúng tôi ra ngoài sân hóng mát, lại thêm những hình ảnh gợi nhớ Tết quê hương.
Lúa gặt về còn chất đống ngoài sân, từng đống… từng đống cành trĩu nặng lúa vàng. Thường ngày thì trên sân có trâu đạp lúa, có nhiều anh tá điền lo việc sàng xẩy và phơi lúa nhưng hôm nay là ngày giáp Tết nên công thợ được nghỉ. Sân trước được nhường chỗ cho việc gói và nấu bánh tét. Nhìn nồi bánh tét và ngọn lửa cháy phừng phực, tôi lại nhớ lúc còn ở quê quán Mỹ tho, những ngày tôi còn đi học, Tết năm nào má tôi cũng nấu một nồi bánh tét thật lớn trong lúc chờ đón giao thừa. Má tôi nói ở chợ người ta bán bánh tét thiếu gì nhưng bánh tét của mình nấu ở nhà thì ngon hơn, mình lựa nếp tốt, nhân đậu xanh cũng được hấp và quết thật nhuyễn, còn những người bán thì bánh tét của họ pha đậu xanh với khoai lang để làm nhân bánh.
Tôi rút mấy bông lúa trĩu hạt, lại hơ trên lửa. Tiếng nổ lách tách thật khó quên của những hạt lúa mẩy vàng, gặp lửa liền nở xoè trắng muốt như những búp hoa huệ trắng bé tí xíu, mùi thơm dịu nhẹ mỏng mảnh như khói như mây mà thấm sâu vào ký ức, gợi lại trong tôi những giấc mơ thời thơ ấu. Rồi tiếng quết bánh phồng thập thình ở đâu đó vọng đến, tiếng gõ và mùi thơm của những phong bánh in, mùi đường vừa chín tới của những chảo mứt dừa lan tỏa trong cái không gian se lạnh của một ngày cuối năm, tôi chợt nghe ngọt trên đầu lưỡi mùi vị của những thức ăn dân dã mà đã lâu lắm rồi tôi không có dịp được thưởng thức lại.
Xa quê hương đi định cư ở xứ người, nơi tôi ở ngày Tết có đủ thứ nhưng cái không khí đón Tết của ngày xưa không còn nữa. Lúa mùa không còn, bánh tét, bánh in, bánh phồng, mứt gừng mứt dừa đều được sản xuất theo công nghiệp thực phẩm, tuy có vệ sinh nhưng không còn cái mùi vị đậm đà đầy tình tự dân tộc của ngày xưa.
Trong nhà ngoài ngõ không còn bóng dáng cây mai vàng năm cánh, tôi chỉ nhìn được hình dáng cây mai qua tranh vẽ, qua những cành mai nhân tạo bán ở phố Tàu. Hồi đó, trong ba ngày Tết, mấy nhánh mai chưng trên bàn thờ và chậu mai trĩu bông để trước ngõ, những cành mai thỉnh thoảng rời cánh, khẽ khàng rơi trên sàn nhà hay trên nền đất giống như những chấm phá màu vàng duyên dáng của hóa công điểm xuyết thêm nét đặc thù của mùa xuân quê hương. Người ta không quét nhà trong ba ngày Tết nên ngoài những cánh mai điểm vàng trên đất, còn có những vỏ hạt dưa đỏ hồng chen lẫn xác pháo… Ngày Tết người ta kiêng gây gổ, kiêng nói tục, kiêng la lối om sòm… Gặp nhau thì mỗi tiếng nói chào hỏi đều là những câu chúc phúc chúc lợi với những nụ cười chân tình.
Ở xứ người, cái sạch sẽ quá đáng trên bàn thờ, trong nhà ngoài ngõ trong dịp Tết làm cho tôi không cảm thấy được cái không khí và hương vị của ba ngày Tết. Những nét bản sắc của văn hóa dân tộc qua phong tục tập quán cũng đã bị lãng quên. Tôi bâng khuâng nhớ mãi về những cái Tết cũ ở quê hương trong thời thơ ấu, nhớ mà tiếc nuối không thôi, những hình ảnh, những tình tự quê hương vẫn ngời sáng một cách thiêng liêng trong tâm hồn của kẻ mất quê hương.
Có những mùa xuân đến rất mau,
Ngồi nghe tuyết trắng dội ngang đầu
Nghe hồn ray rứt niềm xa xứ,
Nghe buốt trong tim vạn nỗi sầu.
Buồn ôi là buồn!
Viết trong lúc thêm một mùa xuân biệt xứ.
Soạn giả Nguyễn Phương

01/01/2017

7 comments:

Katie co5rg said...

KT xin cám ơn bác Nguyễn Phương còn nhớ và viết lại những kỷ niệm thật hay và dí dõm cho mọi người thưởng thức , chỉ những người trong đoàn mới được chứng kiếng những tình huống như vậy , những người hậu sinh như cháu rất là may mắn được nghe bác kể lại rành mạch , tỉ mỉ chi tiết và nhân vật ,và xin cám ơn cô chủ TL vườn cho đăng nha .
Cô 5 RG

Katie co5rg said...

Xin lỗi KT viết sai chính tả phải viết đúng là : di dỏm , chứng kiến ( kiến không có G ) phải không cô giáo của em nè ?
Cô 5 RG

trường tôi said...

Ha...ha...Chắc Cô 5rg sợ đầu năm đầu tháng viết chính tả trật lất bị cô giáo cho ăn hột vịt phải dị hong...mà cô 5 nè ! Hột vịt mà đem kho với thịt đùi có chút mỡ ăn với dưa giá là ăn hết nồi cơm đó cô 5 ui !!!

Một Người Bạn Thân

Katie co5rg said...

Hihihi ! Hỏng phải sáng cô 5 gáy nghen Trường Tôi Một Người Bạn Thân ơi , mờ hồi xa xưa ấy cô 5 chưa có bao dzờ được thầy cô tặng cho ăn hột vịt ung hé , giờ qua đây làm gì có hột vịt mờ ăn , tàn là hột gà hong hà ... thèm ghê ... hột vịt lộn chấm muối tiêu dí gao gâm , phái ăn cái mề non đó ... hihihi ... ai cho tui ...
Cô 5

Unknown said...


Mùa hè nầy quần hùng sẽ tập trung nhà Cô 5 một buổi chiều êm ả, tui sẽ đèo theo Bác Nguyễn Phương cùng hột vịt lộn, lộn mề 13 bửa, đừng nuốt nước miếng nhen, chờ tới bửa đó đi.
,

trường tôi said...

Như vậy năm nay Ông Thầy nhớ trồng 1 mớ rau răm để ăn với hột vịt lộn nghen thầy , chớ không thôi thì. ..
Vịt lộn hỏng có gau găm
Thà ăn (hột) vịt muối dzị mà ngon hơn
Hột vịt muối mà ăn với cháo trắng mỗi buổi sáng thì ngon hết biết, món ăn dân dã ít hao tiền cứ ăn như dị hoài chừng 1 năm dư khẳm...HTX

Katie co5rg said...

Hihihi , bạn hiền HTX đò có lưng là đừng có lo , cô 5 sẽ trồng rau răm để thưởng thức hột vịt lộn của thầy nghen , yên chí lớn đi .
Cô 5 RG