Wednesday, January 18, 2017

VỀ QUÊ


                                                

Gửi đến từ Mã Q Thái

__________________

Trần Thanh Phương
                                                                                            
                                                  Ai mà chẳng có một miền quê. Ở đó, hoặc là nơi chôn nhau cắt rún, hoặc là nơi quê cha, quê mẹ, nơi đất tổ ông bà …
            Đi đâu rồi cũng quay về nơi ấy, để lòng mình chốn ấy, không thể quên được. Lâu ngày không về quê, cảm thấy bứt rức, xốn sang như phạm một điều gì thiêng liêng, hệ trọng trong tình cảm con người. Thư từ nói bao nhiêu cũng không đủ, hình ảnh ghi lại bao nhiêu cũng không vừa; gặp người cùng quê, dẫu có chuyện trò đêm này sang đêm nọ cũng khó lòng vơi được nỗi niềm. Bởi vì quê hương là một cái gì thật cụ thể, thật riêng, không thể thay thế. Nhớ quê thì chỉ có thể về thăm quê.

           
            Mỗi lần về quê, gợi lại bao nhiêu kỷ niệm của thời thơ ấu : Bến nước, con đường mòn, khoảng sân trước nhà, một gốc cây ăn trái thuở xưa, cho đến phía mặt trời mọc, phía mặt trời lặn, tiếng gió thổi bên đầu nhà, ngọn gió phất phơ tàu chuối sau vườn, một vệt nắng dọi vào ngạch cửa, một cánh chim bay, một hàng cau, cái lấp lánh của vườn dừa tơ trong nắng sớm, tiếng sóng óc ách vỗ vào bờ, dấu chân trâu trên đồng ruộng cho đến nhìn những đụn mây phía chân trời lúc chiều buông xuống mà "em bé giàu trí tưởng tượng" như tôi cho rằng hình mây giống ông già dắt đứa trẻ đi chơi, một chốc sau hóa thành cô gái đứng chải tóc, lúc nữa lại biến thành chiếc thuyền buồm có nhiều hình người chèo chống … Nghĩa là mặc sức cho đầu óc tôi hình dung. Cứ tưởng trên đám mây phía chân trời đủ thứ hình thù, tốt đẹp có mà ghê rợn cũng không thiếu cho đến lúc đun mây dày ấy tan thành mây khói mới thôi. Tất cả như sống lại, trẻ trung thuở nào đã gắn bó, đã in vào đầu óc non nớt của một cậu bé. Tiếng gà gáy thì ở đâu cũng thế, có khác bao nhiêu. Nhưng không hiểu sao mỗi lần về quê, hừng đông nằm nghe tiếng gà gáy, buổi trưa nằm nghe tiếng gà gáy, nhớ chi nhớ lạ những gì xa xôi, buồn vui, không tự cắt nghĩa nổi. Dường như tiếng gà ở quê gáy kéo dài hơn, hùng dũng hơn, vang hơn, bay xa hơn tiếng gà ở thành phố. Có phải như vậy không ?
            Tiếng giã gạo cũng là một âm thanh gợi bao nhiêu chuyện xa xưa mà ở thành phố tuyệt nhiên không có. Những năm trước đây, do sự  phát triển quá nhiều máy xay xát, nên trong thôn xóm châu thổ sông Cửu Long vắng đi tiếng giã gạo. Nay đây đó đã lác đác trở lại điệu "nhạc gõ" mạnh mẽ này. Giã gạo là công việc nặng nhọc, vậy mà thường là mấy cô mấy chị đảm nhiệm. Ngày trước, người ta thường giã gạo chày hai, chày ba, có khi vui , giã cả chày tư. Nghĩa là cùng một lúc, bốn người đứng quanh cối gạo mà giã. Giã chày ba, chày tư thường là người thông thao, thật quen nhịp chày mới dám đứng cối. Nếu không, chày nọ mổ lên chày kia, chẳng những gạo bay xuống đất, mà còn có thể giập tay, giập chân. Đêm đêm, nhất là những đêm trăng, nhiều cô gái trong lảng rủ nhau giã gạo vần công. Tiếng nhịp chày ba, chày tư nghe cứ dòn tan, dẽo dai, từ đầu hôm đến khuya. Cô nào cô nấy mồ hôi ướt đẩm áo vai, cám bay thơm thơm tóc mai, thơm thơm đôi bàn tay … Trước ngày có đám cưới, đám gã, hoặc đám cúng cơm, nhiều chị em bạn tự nguyện đến giã gạo, giã nếp, hoặc quết bánh phồng giúp bạn mình. Những buổi như thế thật đông vui ấm áp thôn xóm.

            Mỗi lần về quê, bất chợt gặp được cảnh hòa thuận mang cả ý nghĩa văn hóa
đồng quê cao đẹp ấy , thì thử hỏi làm sao tôi quên quê hương được. Người ta thường 
nói "Lá rụng về cội" hay "Máu chảy về tim" thật là đúng.
            Quê tôi ở Đường Cày - Kinh Đứng, cách Sài Gòn 400 cây số cả đường xe hơi lẫn đường thủy. Ngồi xe đò, tàu đỏ thẳng thét hai ngày hai đêm mới về tới nhà. Đi lại khó khăn, trắc trở như vậy, một lần tôi than phiền với má tôi : "Nhà mình ở xa quá, má à !". Mỗi lần vể thăm má, thăm quê vất vả quá !".  Má tôi nói một âu mà từ đó mãi  sau này tôi không dám trách móc rằng nhà mình xa hay gần : "Mồ tổ mày, nhà mình từ đó giờ ở đây chớ có dời đi đâu mà xa hay gần. Con đi xa rồi lại nói nhà mình ở xa !".Tôi ân hận hết sức về lời nói vô tình của mình.

            Mỗi lần về tới nhà hôm trước thì hôm sau cả xóm biết tin. Tôi chưa kịp đến thăm ai thì đã có người tới mừng. Chẳng phải ông gì, cũng chẳng phải một người tên tuổi gì cả, mà chỉ vì tội con của má tôi, tôi sinh ra từ mảnh đất này. Chỉ vậy thôi mà tình cảm mênh mông, chân thật. Đi xa, làm chức tước gì khoogn biết, nhưng đã về tới quê thì thấy mình bé bỏng, em cháu của bao người. Không thể khác hơn. Anh là con em ở đây. Gặp người nào tôi cũng thấy gắn bó, liên quan đến điều gì mật thiết từ tuổi nhỏ. Giọng nói, tiếng cười, dáng đi, khuôn mặt, ánh mắt quen thuộc …. với ta tự khi nào. Đó là dì Năm, dì Bảy, cô Sáu, chú Mười , chị Hai, chị Ba, cả các em nhỏ mới lớn lên sau này, đứa nào đứa nấy đôi mắt đen thui, thật thà cũng có nét gì chung với tôi. Bà con hỏi han đủ mọi chuyện, ….. có người còn cả chuyện tình hình thế giới …..
            Ấm trả lợt lại đậm, điếu thuốc tàn lại quấn…
            Mấy ngày tiếp theo, người mang đến cho con cá, con cua, con khô … để "ăn lấy thảo". Có người mang đến cho rổ rau cóc, rau đắng hoặc bó bông súng, hoặc vài con mắm trê, mắm lóc "để mầy đừng quên đồng quê xứ mình". Trời ơi, làm sao tôi quên được. Con cá,  cọng rau kia đã nuôi tôi lớn lên. Một thời , tôi đã dầm mưa, dãi nắng ngoài đồng câu cá, hái rau, nhổ bồn bồn, móc củ co mà. Mùi vị ngọt ngào của rau, cái mát, cái lạnh của mưa gió trên đồng, tôi còn nhớ nguyên hết . Thấy tôi đi xa về, quê hương hỏi là hỏi vậy để nhắc nhở tôi, để tôi đừng "thấy trăng quên đèn", "được chim quên ná" đó thôi. Đi đâu thì đi, làm ông tướng, ông tá gì thì làm, giàu có đến đâu mặc kệ, về quê mà làm ra bộ  ta đây, kên kên với thiên hạ thì "cho mày tiêu luôn". Xứ sở quê ta không chấp nhận những người ngoại lai biến chất ấy là con em của mình.
            Về quê, mệt nhất và cũng vui nhất là đi thăm bà con, cô bác. Mỗi  nhà chỉ ghé vài mươi phút, nhưng không đi không được. Đến nhà này, lỡ không đến nhà khác lại càng rầy ra. "Nó chê nhà tôi nghèo, nó không tới. Nó chê nhà toi không có ghế ngồi, không có nước mưa uống, nó không thèm đến ….". Cứ bịa chuyện nhà mình thế này thế kia và nói bóng nói gió mà trách dài dài. Nhiều khi còn "chưởi mắng" trước mặt nữa, xem tuồng như không còn gì là tình nghĩa hết. "Đêm hôm kia, nhà tôi có chuột lắc kêu, và con mắt phải tôi máy, tôi biế nhà thế nào cũng cắp có khách. Y như rằng thằng cháu tôi về. Vậy mà nó không ở ăn với tôi một bữa cơm. Cơm với lươn kho mắm thôi chớ không có cao lương mỹ vị gì, món ăn mà hồi ở nhà nó rất thích. Thôi, như vậy, từ rày trở đi coi như không có nó …". Lại có người chưởi mắng một thôi, một hồi ""Đằng nhà có trái mãng cầu xiêm dú trong bồ lúa, đã chín, có ý chờ nó đến cho nó ăn, mà nó chê của nhà tôi…. Nó chê thì tôi gởi về cho vợ, cho con nó, chớ biết sao bây giờ …". Thật tình, nghe những lời nói "lẫy đương" đó mà xuống nước mắt. Do quá yêu thương mà bà con bốp chát, vậy chớ có ghét bỏ chi đâu. Cho nên dân ở thành thị về thăm quê là "lời" chớ không "lổ" . Đừng tưởng anh mang về vài túm kẹo, một hai khoanh thuốc gò, mươi vung giấy hút thuốc hoặc một ít món quà nhỏ hàng công nghiệp là đã oai lắm rồi. Không đâu ! Quý là quý thiệt đó, nhưng cái quý hơn là anh mang về tình cảm , tình nghĩa quê hương. Còn muốn nói về vật chất thnif anh đâu có quảy nổi những món quà mà bà con gởi tặng. Thí tỉ món dừa và chuối thì anh đầu hàng rồi, chẳng ai có sức mà mang. Bà con cho thả sức đó. Chỉ còn lại tôm khô, cá khô, hoặc nếp, đậu, hoặc một can nhỏ "nước mắt quê hương" hoặc một hai chai mật ong bông tràm của "cây nhà lá vườn"… anh vác đã khùng rồi. Mà trời ơi, những thứ đó, anh chịu khó mang về tới Sài Goàn thì "có giá" biết chừng nào, nhất là những dịp "gạo châu củi quế". Anh đi thăm quê về, bạn bè đến hỏi chuyện "nông thôn ta dạo này như thế nào?", còn có con khô của quê anh mà đưa cay để cho câu chuyện thêm đậm đà chớ. Lúc bấy giờ, tôi dám chắc món tôm khô (nếu là tôm lụi còn tuyệt cú mèo nữa) hay khô cá bổi, cá khoai của anh sẽ được khen rằm nhà cho mà coi. Bạn bè đến nhắm rượu với anh xong,  anh gói "gởi về cho chị và mấy đứa nhỏ vài con khô" thì hay biết chừng nào.

            Về quê, một trong những cái khoái là tắm ao, tắm sông. Trưa nắng, anh xách thùng, xách thau ra cái sao sau vườn, có bắc chéo thân cây dừa, lén nhìn mặt ao rung rinh cá quợn và cặp ếch từ trên bờ nhảy tỏm xuống, làm mấy con chuồn chuồn đậu trên cọng rau nhút giật mình bay. Sau đó, anh dùng đít thùng khỏa qua vạc bèo cám, lục bình rồi nghiêng miệng múc nước xách lên bên bụi chuối mà dội. Trên thân thể ta, nước ướt tới đâu, nghe mát lạnh tới đó, khỏe như uống sương sáo, hột é hay lười ươi vậy. Cái mát của nước ao, cái thơm của nước ao lạ lắm, tìm không có trong nước máy thị thành. Hình như nước ở ao có chất đất, chất bùn, có hương hoa, hương cỏ, có hơi sương nên lắng đọng nhiều "dinh dưỡng". Còn nước máy nặng chất hóa học, cứ "trơ" ra như thế nào ấy, ngậm trong miệng không thơm , không thật như nước ao, nước giếng. Có người nói tắm nước ao bị ngứa, bị ghẻ. Tầm bậy. Chắc da thịt người đó kỵ với cái nước "thiên nhiên" này sao chớ. Gia đình tôi, bạn bè tôi mỗi lần dẫn vợ con về nội, về ngoại chơi mươi bữa, nửa tháng, ngày nào cũng dội ào ào nước ao mà thấy có ghẻ chốc gì đâu. Tắm nước ao thêm trắng da ra, mịn da ra thì có. Cái này chỉ nhờ khoa học giải thích, chớ không khéo tôi lại mang tiếng vì yêu quê hương mà nói càng, nói "nhạc rừng". Nhưng dù như thế nào , tôi vẫn bênh vực cái mát lạnh, cái hiền hậu của những thùng nước ao ở sau vườn nhà tôi.
           
            Thôi lỡ nói về nước thì nói cho hết. Về quê, được uống một gáo nước mưa hoặc nhấm nhá chun trà pha bằng nước mưa cũng gợi lại bao kỷ niệm. Từ ngày ra sống ở thị thành, có khi nào tôi được hưởng một giọt nước mưa đâu. Mưa thì tràn trề sối sả đó, nhưng có mấy ai hứng lấy thứ "nước trời cho" ấy mà dùng. Chẳng thà bỏ chớ tắm cũng không ai tắm, giặt cũng không giặt... Trong cơn mưa, nhìn thấy những ống nước to bằng thân cây cột cái chạy dài từ lầu sáu, lầu bảy đổ xuống tận mặt đường những nước là nước mà chạnh nhớ tới quê nhà hứng từng giọt nước bằng bẹ chuối, mo cau nhỏ hẹp. Ở quê có mấy ai chứa được nhiều nước mưa. Nhà nào khá giả thì chứa năm bảy mái vú, hoặc nhiều lắm là mươi mái dành cho mùa hạn. Còn thường thì chỉ đôi ba mái để uống, tuyệt đối không hề nấu ăn chớ đừng nói tắm giặt. Vậy mà chưa tới mùa mưa đã vét lu, vét khạp rồi. Người ta giữ gìn mái nước mưa hết sức cẩn thận. Hứng đầy đâu đó , hớt sạch những lá bụi rơi xuống rồi lấy nắp đậy kín, dùng dây chuối ràng chặt. Nếu không, lỡ con chuột hay con rắn mối nhào vô chết ở  trong ấy thì thật là công dã tràng.
            Về thành hố, cứ vặn nhẹ vòi là nước từ trong tường chảy ra, nước từ dưới đất chảy ngược lên, tận lầu chín, lầu mười cũng có nước. Và tất nhiên là nước ngọt. Những lúc ấy, ai đó xin đừng quên có nơi ở quê ta thiếu nước ngọt.

       Image result for về que     
Làng tôi có con sông, nói đúng hơn là con rạch. Con rạch tuy nhỏ và cạn, nhưng nó giúp ích cho đời sống của người dân quê tôi rất nhiều : Đi lại, chài lưới, đặt đó, đặt nò, thả chà, tắm giặt ... Đêm đêm, đèn từ các đó tôm sáng giăng giăng trông làng xóm ấm áp và vui hẳn lên. Ở con rạch này có dòng kinh đào hồi thời ông nội tôi còn trẻ, ăn thấu qua cánh đồng rộng rồi đổ ra một con sông khác rộng và sâu hơn con sông trước nhà tôi. Tại bờ vam kinh, có cây gừa già, rể buông tua tủa, trông huyền bí. Đã từ rất lâu, bao nhiêu miểng chai miểng sành trong làng được đổ ra đổ tại gốc gừa này. Cũng từ ngày nảo ngày nao, nơi gốc gừa cổ thụ ấy mọc lên túp lều nhỏ, lợp bằng lá dừa nước, đã thay không biết bao nhiêu xác lá, xác cây. Trong lều có lư hương nhang và một hòn đá to bằng trái bình bát, đặt trên miếng ván mối ăn lấm chấm. Hòn đá đó được gọi là Ông Tà và túp lều ấy là miễu Ông Tà. Ông Tà có linh thiêng và có giúp ích gì cho dân chúng ở đây không, chưa ai thấy. Nhưng người ta vẫn cứ thờ, vẫn cứ nhang khói đều đều. Ở vùng đất này, xây dựng một cái gì thật vững chãi, thật đồ sợ trong thờ phượng, người ta không muốn. Thờ phượng trong lòng, tu niệm trong lòng là điều thiết thực và như thế đã đủ.
            Cách miễu Ông Tà không xa là chiếc cầu khỉ bắc qua dòng kinh. Mỗi lần về quê, tôi phải đi qua chiếc cầu mảnh mai, rung rinh này.
            Hồi nhỏ, dòng kinh, cây gừa, miễu ông Tà và chiếc cầu khỉ đã đi vào tuổi thơ của tôi. Lớn lên, tôi thấy những cảnh vật đó ngày ngày, rồi như không còn xúc động nhiều nữa. Mãi sau ngày xa quê, thì những hình ảnh bình thường trên lại sống dậy trong tôi tha thiết, tưởng như trên đời không thể thiếu nó được.
            Quê hương là gì, có phải những điều bình thường như thế không ?

            Một Việt kiều ở Bỉ vừa mới sinh đứa con đầu lòng đã chợt nhớ tiếng hát ru ở quê  nhà. Mây Hồng, tác giả bài "Tiếng hát ru" đăng trên tờ báo viết :
            "Bây giờ tôi là một người mẹ . Mấy đóa hoa hồng của bạn bè thân thiết tặng trong ngày đầy tháng của con tôi đang lặng lẽ nói với tôi điều ấy. Tôi đang nhớ thiết tha đến mẹ tôi nơi phương trời xa xăm....
            Mẹ ơi, con còn nhó ngày ngày trong bộ áo bà ba mẹ may, con đến trường cặp đầy đồ chơi, nhảy dây, đánh đủa ... Đám con trai nào chọc ghẹo, con mét cô cho tụi nó bị rầy. Chiều đi học về, con chăm sóc vườn rau, luống cải giúp mẹ, hái cho các em con những trái bình bát, trâm bầu, vui biết bao nhiêu. Quê ngoại Vĩnh Long. Ngày giỗ chạp, mẹ dẫn con đi đò máy về thăm các cậu, các dì. Con sông Măng Thít nhiều bến nước, nhiều chiếc đò ngang, đò dọc, ghe xuồng chở trái cây, tôm cá lên chợ bán, có bao giờ con quên được đâu ?
            Lớn hơn chút nữa, con nhớ tới ngôi trường trung học Tân An; còn đường đầy xe và bụi; những buổi chủ nhật đi chơi cùng bạn bè làng quê; những cánh hoa mười giờ ai kín đáo giắt sau yên xe đạp; những bài thơ tiền chiến bâng khuâng giữa hai trang sách; những đêm trăng hò hẹn bên dòng sông ....
            Mẹ biết không, trong những ngày xa xứ, con cũng đã từng qua những dòng sông. Không có lấy một cô thiếu nữ giặt áo bên cầu, không có một tiếng đùa giỡn của lũ trẻ thơ, kể cả dòng sông Danube mẹ say mê qua một bản nhạc trữ tình. Và này mẹ ơi, có lần con chợt nghĩ nhờ có ngoại ở một miền quê nghèo nên con còn có được những kỷ niệm thật êm đềm mỗi lấn nhớ tới quê hương.

            Nhìn đứa bé thơ ngây nằm trên nôi, tôi lại nhớ ngày tôi lên năm, lên bảy, những buổi chiều mưa rả tích bên ngoài, toi nằm bên lòng mẹ, nghe mẹ đọc cho nghe những câu : "nhỏ còn thơ dại biết chi; lớn rồi đi học, học thì phải siêng..." Vợ chồng tôi có những đêm nằm bên nhau trằn trọc nhớ nhà mà không ngủ được. Nhưng lúc ấy, chúng tôi kể cho nhau nghe từng kỷ niệm của thuở còn thơ, nghe đầm ấm lạ lùng. Từ lúc tôi có thai, chúng tôi lại còn bàn đến chuyện tương lai. Đứa bé sẽ chôn nhau cắt rốn nơi nầy, sẽ lớn lên trong những tiện nghi thành phố, không biết quê mẹ, quê cha liệu rồi sẽ như thế nào ?
            .... Tôi sẽ ôn lại những câu hát ru con để mỗi đêm nằm bên cháu, à ơi đưa cháu vào giấc ngủ bình yên, đầy mộng đẹp. Phải không mẹ, ngày xưa mẹ vẫn thường ru con trên chiếc võng kẽo kẹt sau nhà, mẹ đã rót vào tâm hồn con những câu hát :"Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi ...." để  mãi mãi về sau con vẫn còn nhớ nơi con đã lớn lên bên lòng mẹ, bên lòng đồng bào con một nắng hai sương. Tôi hiểu là dỗ con ngủ như thế sẽ mất nhiều thì giờ hơn là cứ đúng giờ bỏ cháu vào nội, đóng kín cửa phòng lại như phụ nữ bên này. Nhưng ngược lại  có món quà nào quý hơn cho đứa bé bằng tiếng hát êm, trầm bổng của người mẹ Việt Nam, dù người mẹ ấy là một nông dân hay một chị bác sĩ ?.
            Và rồi một ngày nào đó không xa, vợ chồng tôi sẽ dắt cháu về thăm mẹ tôi, thăm quê hương Vĩnh Long của những người con giàu tình cảm, giàu chất thơ. Cháu sẽ được ngoại yêu thương ấp ủ trong lòng. Đêm đó, trong xóm thôn, có ai cất tiếng hát mà cháu vẫn thường được nghe mẹ hát :

"Xa xôi đâu khóm dừa xanh
Có bà ru cháu nằm khoanh lòng già
Cháu ơi cháu ngủ với bà ..."


            Chị bạn Việt Kiều ơi, ao ước của chị thế nào rồi cũng thực hiện được. Quê hương bao giờ cũng giang rộng cánh tay đón những người con đi xa trở về. Cây bình bát, rặng trâm bầu hãy còn đó, bến nước, cây cầu, ghe xuồng chở trái cây, tôm cá trên sông Măng Thít vẫn còn..... Còn nguyên hết. Mây Hồng ơi ! ....

No comments: